Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

Những kiểu chụp chân dung độc đáo

Trang web Digital Photography School đưa ra 10 cách chụp chân dung không theo khuôn mẫu, nhưng vẫn mang lại những bức ảnh đẹp và ấn tượng.

1. Đổi phối cảnh.

Hầu hết ảnh chân dung đều thường đặt máy ảnh ở tầm ngang mắt của đối tượng cần chụp. Mặc dù đây là một nguyên tắc tốt, tuy nhiên, đôi khi đổi phối cảnh, như kiểu chụp từ trên xuống, hay hất từ dưới lên, lại mang về những tác phẩm khiến người xem phải trầm trồ.

2. Chú ý hướng mắt nhìn.


Hướng nhìn của mắt người cần chụp có ảnh hưởng không nhỏ tới bức ảnh. Hầu hết ảnh chân dung đều có hướng mắt nhìn xuống ống kính nhằm tạo hiệu ứng giao tiếp bằng mắt giữa người trong ảnh và người xem ảnh. Tuy nhiên, bạn cũng có thể thử để người được chụp nhìn ra ngoài máy ảnh, tập trung sự chú ý vào một thứ gì đó nằm ngoài ống kính của máy. Kiểu chụp này mang lại cho người xem một cảm giác tò mò và quan tâm không biết người trong ảnh đang nhìn cái gì. Sự tò mò này sẽ càng được kích thích nếu người đó còn thể hiện cảm xúc trên mặt, như cười, hay ngạc nhiên… Tuy nhiên, cũng nên lưu ý rằng khi để cho người được chụp nhìn ra ngoài khung hình, nghĩa là bạn đang lái sự quan tâm của người xem ra phía cạnh ngoài của khung hình đó. Điều này đồng nghĩa với việc bạn đã đẩy người xem mất tập trung vào chính đối tượng mà bạn chụp ảnh.

Một kiểu chụp khác là làm cho người được chụp nhìn vào một cái gì đó, hay một ai đó cũng nằm trong hình như đứa trẻ nhìn vào quả bóng, người phụ nữ nhìn vào đứa con, người đàn ông nhìn đĩa mỳ thèm khát… Khi đó, bạn đã tạo một điểm nhấn thứ hai ảnh. Kiểu chụp này có thể tạo nên một kiểu "kể chuyện".

3. Phá cách khung hình.

Có rất nhiều nguyên tắc lấy khung hình trong nhiếp ảnh. Tuy nhiên, khi học những nguyên tắc này bạn vừa có thể để biết và làm theo, nhưng cũng có thể biết để tìm cách phá vỡ nó. Như nguyên tắc một phần ba, thay vì chụp với trục là đường chia ba, bạn có thể đẩy đối tượng chính giữa vị trí trung tâm hay lệch hẳn ra cạnh viền, để tạo ra những bức ảnh sáng tạo thú vị hơn.

Một nguyên tắc khác vẫn thường nói tới trong ảnh chân dung là luôn để khoảng không để đối tượng hướng về đó. Nguyên tắc này vẫn luôn đúng, nhưng cũng phải phá cách để tạo sự độc đáo.

4. Thử nghiệm với ánh sáng.

Một yếu tố thi thoảng nên áp dụng trong ảnh chân dung là chiếu sáng. Có vô vàn khả năng không giới hạn của việc dùng ánh sáng trong loại ảnh này, như chiếu sáng cạnh, chiếu sáng nền hay ảnh silhouet. Sử dụng kỹ thuật đồng bộ đèn chậm cũng có thể tạo ra những bức ảnh với ánh sáng rất ấn tượng.

5. Dịch chuyển đối tượng ra khỏi vùng tối ưu.

Dịch chuyển người cần chụp ra khỏi vùng tối ưu đôi khi lại tạo nên những bức ảnh ấn tượng. Câu chuyện về chụp ảnh doanh nhân sau đây là một ví dụ. Một nhiếp ảnh gia được giao nhiệm vụ chụp một chân dung thương gia tại nhà. Nhiếp ảnh gia này đã chụp đủ kiểu, từ đầu, bán thân, chụp tại bàn làm việc, trước một khung ảnh treo bằng cấp… Tất cả đều đạt và đúng tiêu chuẩn, duy chỉ có điều không có bức nào đủ xuất sắc để chọn cả.

Nhiếp ảnh gia đề nghị vị thương gia này thử với các kiểu ảnh "nhảy". Vị thương gia đầu tiên còn hơi do dự nhưng sau đó đã thực hiện các bức nhảy lên với nguyên cả bộ comple cà vạt thay vì đứng ở những góc đẹp truyền thống. Kết quả là họ có những bức ảnh rất ấn tượng, rất ngạc nhiên và thú vị. Dù kiểu chụp này có vẻ "hâm" với không ít nguời, nhưng cuối cùng bức hình doah nhân nhảy lên đã được lấy làm ảnh trang bìa cho một tạp chí lớn.

6. Chụp một cách tự nhiên.

Đôi lúc, những bức ảnh sắp xếp trông khá lộ liễu, hoặc một số người trông sẽ rất cứng nhắc khi phải diễn để chụp. Đây là lúc cần phải nghĩ đến cách tiếp cận chụp theo kiểu tự nhiên.

Hãy chụp ảnh đối tượng tại nơi làm việc, với gia đình hay đang làm bất kỳ thứ gì mà họ thấy thích. Điều này sẽ làm cho đối tượng cảm thấy thoải mái hơn và kết quả là bạn có được những bức ảnh khá đặc biệt với những hoạt động rất tự nhiên trong tình huống mà họ đang tham dự. Để thực hiện, bạn sẽ phải dùng những ống kính tiêu cự dài để có thể tách mình ra xa khỏi sự chú ý của người được chụp. Cách tiếp cận này rất thích hợp cho chụp ảnh trẻ em.

7. Thêm vật trang trí.

Thêm một vật trang trí gì đó để tạo thêm điểm nhấn cho bức ảnh. Dù việc này có nguy cơ hướng sự chú ý của người xem khỏi đối tượng chính, nhưng cũng có thể tạo thêm được cảm giác về một câu chuyện hay một địa điểm cho bức ảnh, tạo cho nó một hướng mới, và một lớp chiều sâu.

8. Tập trung vào chỉ một phần cơ thể.

Gắn ống tiêu cự dài hoặc tiến gần sát đối tượng, sao cho chỉ chụp một phần của đối tượng lên ảnh. Chụp một bàn tay, đôi mắt, khóe miệng hay thậm chí là nửa thân dưới… đều có thể tạo nên trí tưởng tượng phong phú cho người xem. Đôi khi những gì không có trong ảnh lại nói lên nhiều điều hơn những gì hiện hữu.

9. Che đi một phần đối tượng.


Biến thể của việc chụp một phần cơ thể là chụp những ảnh che bớt đi một phần khuôn mặt hay cơ thể của người được chụp. Các vật dụng dùng để che có thể là quần áo, một vật nào đó, tay của chính người đó hay chỉ là lấy khung hình một phần. Cách chụp này có nghĩa là bạn để lại một chút tưởng tượng cho người xem, đồng thời, hướng họ tập trung vào phần quan trọng nhất của người mà bạn muốn thể hiện.

10. Chụp loạt ảnh.

Đặt chế độ chụp ảnh liên tục và bấm chụp nhiều kiểu cùng lúc. Bằng việc này, bạn có thể tạo nên một series ảnh thể hiện các động thái khác nhau, thay vì chỉ một bức ảnh tĩnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét