Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2014

Ánh sáng yếu và những quy tắc cần chú ý

Kể từ khi xuất hiện, nghệ thuật nhiếp ảnh đã mang một cái tên đầy ý nghĩa đó là Nghệ thuật “vẽ bằng ánh sáng”. Do đó, việc chụp ảnh trong điều kiện thiếu sáng (khi không có đèn flash) tưởng như rất khó thực hiện.Rằm Trung thu sắp đến rồi Bạn ạ!!! Ra đường trong những bộ váy áo xúng xính, đeo chiếc mặt nạ xinh đẹp, ánh đèn rực rỡ sắc màu… Những điều này sẽ giúp cho bạn trở nên lung linh hơn bao giờ hết. Nhưng với điều kiện ánh sáng khó xác định đó, cũng sẽ khiến những khoảnh khắc bạn muốn lưu lại trở nên khó khăn. Để giúp các bạn có được những hình ảnh sắc nét khi chụp ảnh với nguồn sáng yếu, dưới đây là một số mẹo hữu ích cho kỹ thuật chụp ảnh này.

1. Tăng ISO

ISO là khả năng nhạy sáng của máy, ISO càng cao khả năng bắt sáng càng tốt hơn, đảm bảo cho tốc độ màn trập cao hay khẩu độ mở nhỏ hơn. Tuy nhiên, ISO cao tương đương với việc khả năng khử nhiễu của máy kém đi, các hạt nhiễu xuất hiện nhiều hơn, hình ảnh không còn sắc nét. Việc điều chỉnh và thay đổi ISO trên máy ảnh kỹ thuật số tiện ích và đơn giản hơn rất nhiều để xử lý nhanh trong mọi tình huống.
Sử dụng ISO 400 hoặc 800 chụp với khung cảnh nguồn sáng yếu
Để chụp ảnh với nguồn sáng yếu mà không muốn sử dụng đèn Flash, nên đặt ISO của bạn ở mức ISO 400 hoặc 800, mức ISO này sẽ giúp bạn nhận được nhiều ánh sáng hơn ở thiết lập ISO 100 hay 200 và đảm bảo cho hình ảnh ít hạt nhiễu hơn những ISO cao như 1.600 hay 3.200…

2. Sử dụng tốc độ màn trập thấp


Theo đúng nguyên tắc kỹ thuật nhiếp ảnh thì “thời gian lộ sáng càng lâu hình ảnh sẽ nhận được nhiều ánh sáng hơn”. Dó đó, để chụp khung cảnh thiếu sáng bắt buộc ta phải sử dụng tốc độ màn trập thấp hơn mức tối thiểu như 1/15s, 1/8s, 1/2s, 1s… Nhưng những tốc độ này sẽ khiến hình ảnh rất dễ rung, nhòe và mất nét.

3. Sử dụng chân máy và tính năng giảm rung

Khi bắt buộc sử dụng tốc độ màn trập thấp, không có phương pháp chống rung hình nào tốt hơn là sử dụng chân máy. Bạn cũng có thể đặt máy trên một bức tường, ghế hay một vị trí thật chắc chắn để chụp hình. Nên sử dụng chế độ hẹn giờ để hình ảnh không bị rung do ngón tay chạm vào nút bấm.
Cách tiếp theo là sử dụng chế độ ổn định hình ảnh trên ống kính hay máy ảnh có tính năng chống rung hình ảnh. Tuy nhiên, chế độ này chỉ có tác dụng với những tốc độ thấp hơn 1/8s cùng ống kính tiêu cự trung bình.

4. Điều chỉnh khẩu độ

Khẩu độ sẽ có thông số tương ứng khi bạn sử dụng tốc độ màn trập và ngược lại. Khẩu độ mở lớn hơn tương ứng với tốc độ cao hơn, trong khi khẩu độ nhỏ tương ứng với tốc độ thấp.
Nếu muốn chụp những hình ảnh chân dung trong nguồn sáng yếu, bạn có thể mở khẩu độ tối đa để thu được nhiều ánh sáng hơn, đảm bảo cho tốc độ chụp và có phông nền mềm mịn, đẹp. Còn nếu muốn chụp ảnh phong cảnh thì khẩu độ mở nhỏ sẽ giúp hình ảnh nét sâu hơn, nhưng lúc này tốc độ màn trập thấp phải sử dụng đến chân máy.

5. Ống kính độ mở lớn

Độ mở lớn ống kính lớn giúp lấy nhiều ánh sáng hơn
Nếu sử dụng máy ảnh DSLR bạn có thể chủ động chọn cho mình một ống kính thích hợp cho việc chụp ảnh thiếu sáng. Những ống kính đó phải có độ mở lớn như f/3.5, f/2.8, f/2 hay f/1.8 và f/1.2. Tương tự lời khuyên thứ, khẩu độ mở càng lớn bạn sẽ thu được nhiều ánh sáng hơn và đảm bảo tốc độ chụp để có hình ảnh sắc nét.

6. Sử dụng các nguồn ánh sáng khác

Trong trường hợp không có đèn flash, hãy thử kế hợp với những nguồn sáng mà bạn có sẵn như đèn học, ngọn nến hay đèn pin… Ánh sáng yếu của những thiết bị này cũng có thể mang lại cho bạn những bức hình lạ mắt.

7. Điều chỉnh cân bằng trắng


Chụp với những nguồn sáng yếu, hình ảnh của bạn khi in ra rất dễ thiếu các chi tiết, màu sắc ngả về vàng cam hay màu xanh nhờ nhờ. Do đó, việc điều chỉnh cân bằng trắng trên máy trước khi chụp rất cần thiết.
Bạn có thể điều chỉnh cân bằng theo nhiệt độ Kelvin (K) trên máy ở mức 3000K-4000K tùy từng khung cảnh hay cân bằng trắng theo mặc định có sẵn trên máy tùy theo cảnh và ánh sáng đèn.

8. Chụp ảnh đen trắng

Nếu không thể lựa chọn cài đặt cân bằng trắng phù hợp với nguồn sáng yếu, bạn hoàn toàn có thể chuyển sang dạng ảnh đen trắng để lấp đi yếu điểm của màu sắc.

9. Chụp ảnh RAW

Ở định dạng ảnh RAW bạn sẽ có bức hình chất lượng cao hơn, hình ảnh sắc nét hơn khi chụp với định dạng JPEG. Và sau khi có bức ảnh dạng RAW, bạn có thể tùy ý chỉnh sửa. Vì thế, nếu có thể hay chụp ảnh RAW trong trường hợp thiếu ánh sáng.

10. Xử lý hình ảnh

Sử dụng các phầm mềm chỉnh sửa có thể giúp tăng sáng cho bức ảnh, giảm hạt nhiễu khi chụp với ISO cao, chuyển ảnh sang dạng đen trắng và điều chỉnh độ tương phản, độ sáng, bóng đổ, độ sắc nét… Nhưng không nên quá phụ thuộc vào điều này mà hãy bắt đầu bằng những kỹ thuật chụp để có bức ảnh đẹp ngay từ ban đầu.

11. Thử nghiệm và thực hành

Với những người mới, việc làm chủ ánh sáng khi chụp trong khung cảnh thiếu sáng là điều rất khó. Nhưng hãy bắt đầu bằng cách chụp các đối tượng đứng im (để tránh nhòe hình). Sau đó, hãy thử với các thiết lập khác nhau, các thông số kỹ thuật khác nhau và chụp thật nhiều khung cảnh để rút ra kinh nghiê,k cho bản thân.
Chắc chắn những điều này sẽ giúp bạn tự tin hơn khi chụp trong những điều kiện thiếu sáng mà không có đèn flash.

(Sưu tầm)

Chụp ảnh ngược sáng

Chụp ngược sáng được hiểu là máy ảnh đặt đối diện hoặc xéo một góc nhỏ với nguồn sáng. Kỹ thuật này thường dùng một đối tượng, thường là chủ đề chính, để ngăn hướng sáng trực tiếp đi vào máy ảnh.

Thời điểm chụp ảnh

Thời điểm lý tưởng để chụp những bức ảnh ngược sáng là buổi sáng sớm khi mặt trời mới mọc hoặc buổi chiều muộn trước hoàng hôn – lúc trời vẫn sáng nhưng không quá gắt. Thông thường, vào mùa hè, bạn nên bắt đầu chụp ảnh trước 7h sáng và buổi chiều từ 4h30 – 6h30.

Chúng ta thường có khuynh hướng tránh né nguồn sáng trực tiếp đi vào mắt. Đó là lý do chúng ta ít thấy một thế giới vô cùng xinh đẹp xuất hiện phía sau nguồn sáng, cho đến khi nhìn thấy chúng qua các tấm hình. Kỹ thuật chụp ngược sáng thường được tận dụng để phơi bày hay che lấp bản chất một đối tượng hình ảnh. Nó tạo nhiều cảm xúc trên bức ảnh, làm cho chủ đề trở nên mong manh, làm thấy rõ chi tiết hay thành phần kết cấu khi ánh sáng chiếu xuyên qua chủ để, ngoài ra nó còn tôn tạo hình dáng và tạo bóng đổ của chủ đề trên nền ảnh.


Chụp ngược sáng được hiểu là máy ảnh đặt đối diện hoặc xéo một góc nhỏ với nguồn sáng. Kỹ thuật này thường dùng một đối tượng, thường là chủ đề chính, để ngăn hướng sáng trực tiếp đi vào máy ảnh. Nhưng cũng có thể chụp trực tiếp từ nguồn sáng như một chủ đề chính (như hoàng hôn, đèn đường,…).

Kỹ thuật này gồm hai phương thức chính, nó vận dụng các kỹ thuật khác nhau để tạo ra những hiệu ứng khác nhau. Một là cho ánh sáng đi xuyên qua vật thể và tận dụng ánh sáng để thắp sáng màu sắc vật thể nó đang mang (thường là các vật thể có bề dày khá mỏng như cánh hoa, trái cây cắt mỏng, vải,…).

Trong khi cách thứ hai thường dùng các đối tượng có độ dày (hoặc có khả năng ngăn cản ánh sáng) để chặn ánh sáng đi vào máy ảnh, tạo ra vành quang rất đẹp (hay còn gọi là ven sáng) xung quanh đối tượng và khai thác sự tương phản.

Vì nguồn sáng mạnh có thể làm hư máy ảnh của bạn khi chụp trực tiếp, nên các nhiếp ảnh gia thường khai thác và tận dụng các nguồn sáng dịu trong tự nhiên, như lúc mặt trời mới mọc hoặc sắp lặn, ánh đèn đường trong sương mù hoặc trong cơn mưa… Đó là nguồn sáng rất lý tưởng để khai thác kỹ thuật chụp ngược sáng.

Các điều cần chú ý:

- Vòm che ống kính (Len hood) sẽ hạn chế hiện tượng lóe sáng
và tăng hiệu quả hình ảnh ngược sáng, khi chụp trực tiếp nguồn sáng Khẩu độ nhỏ (hay độ mở ống kính lớn) sẽ làm hình ảnh dư sáng, vì lượng sáng đi vào máy ảnh sẽ nhiều hơn. Khẩu độ càng lớn sẽ giảm sự xao lãng của ánh sáng ở hậu cảnh trong hình ảnh. Đưa đối tượng chính gần hơn với ống kính và ra xa hậu cảnh để tăng độ sắc nét chủ đề và làm mờ hậu cảnh.



- Đèn flash hay hắc sáng sẽ làm cho chủ đề chính sáng hơn khi chụp ngược sáng. Việc điều chỉnh đèn flash đòi hỏi nhiều kinh nghiệm, làm sao chỉ đủ chiếu sáng đối tượng mà không bị tràn ra ngoài. Chỉnh góc phủ đèn (zoom) hẹp và mức năng lượng thấp thích hợp.

- Đo sáng rất quan trọng. Trừ trường hợp nếu ánh sáng đi xuyên qua chủ đề và phủ rộng khung ảnh, bạn cần chuyển sang chế độ đo sáng theo ma trận (Nikon) hay chế độ ước tính (Canon). Các trường hợp còn lại, bạn nên chỉnh chế độ đo sáng theo điểm. Cố gắng đo sáng tại chủ đề, khóa sáng trước khi bố cục lại hình ảnh. Điều này bảo đảm chủ đề chính luôn đúng sáng. Tuy nhiên, nếu nguồn sáng ló ra từ chủ đề hay ven sáng quá mạnh hay chủ đề của bạn quá tối (độ tương phản cao giữa hai vùng sáng và tối), bạn phải cẩn thận. Trường hợp này đòi hỏi nhiều kinh nghiệm để xử lý, bạn phải tìm ra một vùng sáng trung bình trong bức ảnh và đo sáng tại đó hoặc bạn biết phải hy sinh cái gì để nhận được điều gì. Đây là mấu chốt quan trọng nhất để bức ảnh thành công.

- Điều khó nhất trong phần này, làm sao bạn thấy rõ được chi tiết của chủ đề, trừ trường hợp bạn muốn nhấn chìm nó trong bóng tối. Điều này phụ thuộc nhiều vào cách đo sáng, đèn flash, hướng đứng, khẩu độ và kinh nghiệm của bạn. Đừng quên tận dụng phần bóng đổ của chủ đề phía trước mặt bạn để hình ảnh sáng tạo hơn.

- Để bức hình thành công, bạn cần phải làm quen với từng loại nguồn sáng khác nhau. Ngay cả nguồn sáng của bạn là mặt trời, thì độ sáng của nó cũng sẽ khác nhau ở từng thời điểm, nguồn sáng cố định như đèn đường hay đèn flash thì cũng không đơn giản. Bạn cần có kinh nghiệm và thử nghiệm nhiều lần mới khai thác tốt hiệu quả của nó. Cuối cùng, chúng tôi khuyên bạn nên chụp định dạng RAW vì bạn có thể sửa chữa những sai lầm của mình ở hậu kỳ.

- Kỹ thuật ngược sáng được nhìn nhận với một triết lý rất thú vị “ ngay cả khi mọi thứ đều sáng tỏ, nhưng không phải lúc nào cũng được nhìn thấy” đó chính là cách chúng ta nhìn mọi vật ngược sáng. Kỹ thuật này được khai thác để tăng sự huyền bí và làm hình ảnh mang tính nghệ thuật nhiều hơn.

Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2014

Kỹ thuật chụp ảnh bình minh và hoàng hôn

Cảnh bình minh hay hoàng hôn đều có sức cuốn hút kỳ lạ với các nhà nhiếp ảnh. Họ thường ít khi bỏ qua những sớm mai trong lành hay buổi chiều nắng đẹp ở nơi họ dừng chân. Kỹ thuật chụp hai thời khắc này tương đối giống nhau. Những gợi ý sau sẽ giúp bạn có các bức ảnh đẹp.

Chuẩn bị kỹ trước khi chụp

Đôi khi, chụp ảnh một cách tự nhiên, không có quá nhiều suy nghĩ, sắp đặt hay lúc những cảm xúc xuất hiện bất ngờ... có thể phá vỡ tất cả những ý định trước đó để có những bức ảnh đẹp ngoài dự kiến.


Nói vậy không phải không cần sự chuẩn bị trước khi chụp. Nếu có điều kiện nên tìm hiểu vị trí tốt nhất có thể chụp trước đó một ngày, kỹ hơn thì bạn có thể thử nghiệm trong 1-2 ngày ở nhiều vị trí khác nhau để tìm ra được vị trí tốt nhất.

Hãy tìm nơi mà bạn không chỉ có thể thấy được cảnh mặt trời lên hay xuống, mà còn có thể quan sát được các bóng đổ, các nền tối trên một bầu trời rực rỡ hay các yếu tố thú vị khác mà bạn thấy được. Do thời gian mọc và lặn của mặt trời chỉ kéo dài khoảng nửa tiếng, nên bạn phải chuẩn bị thật kỹ trước khi tiến hành chụp để tránh bỏ lỡ các khoảnh khắc đẹp.

Lưu ý đến thời tiết, với các điều kiện khác nhau thì các ánh sáng chiếu từ mặt trời cũng rất khác nhau, bạn đừng nghĩ những gì bạn bỏ lỡ hôm nay thì có thể tìm thấy trong ngày mai. Đừng chỉ chọn các ngày thời tiết đẹp, trời trong xanh ít mây, những bức ảnh ấn tượng thường được chụp khi mặt trời chiếu vào các đám mây, gây ra các hiệu ứng ánh sáng lạ mắt. Những ngày có khói hay bụi trong không khí cũng chính là những ngày tuyệt vời để có các bức ảnh lạ.

Hãy kiểm tra thật kỹ các thiết bị cần mang theo: chân máy, pin dự phòng, các ống kính với nhiều tiêu cự khác nhau…

Chụp hình ở nhiều tiêu cự khác nhau


Ống kính góc rộng cho cảm giác cảnh sâu rộng, trong khi đó nếu muốn chụp mặt trời thật lớn thì phải cần một ống kính tele có tiêu cự từ 200mm.


Bóng đen không thể thiếu khi chụp cảnh hoàng hôn hay bình minh và là điểm nhấn trong bức ảnh. Hãy thêm vào bức ảnh các bóng cây, núi non, con người… để làm cho bức ảnh thêm sinh động.


Luôn ghi nhớ quy tắc 1/3 trong ảnh khi chụp bình minh hay hoàng hôn. Tuy vậy, không nhất thiết phải luôn tuân theo quy tắc này, phá vỡ quy tắc khi có thể để tạo ra các bố cục ảnh lạ.

Lưu ý: nhìn trực tiếp mặt trời luôn nguy hiểm đối với mắt của bạn dù là nhìn qua ống ngắm, nên sử dụng tính năng Live View để bảo vệ đôi mắt của bạn.

Kỹ thuật phơi sáng


Chụp nhiều ảnh có các giá trị phơi sáng khác nhau: nếu bạn để cho máy ảnh quyết định tất cả mọi việc thì chắc chắn bạn sẽ không chụp được các bức ảnh có ánh sáng đẹp. Do máy ảnh không hiểu được như thế nào là đẹp hay nghệ thuật, máy ảnh chỉ hiểu làm sao cho đúng sáng là đủ, nên thay vì chọn chế độ chụp tự động thì bạn hãy chuyển sang chế độ ưu tiên tốc độ màn trập  sau đó nhanh chóng thử với các giá trị phơi sáng khác nhau.

Gợi ý: chuyển máy sang chế độ ưu tiên màn trập, sau đó bắt đầu với tốc độ chụp tương đối nhanh, sau đó giảm dần tốc độ chụp xuống.

Điều hấp dẫn trong kỹ thuật chụp hoàng hôn và bình minh là không có quy định giá trị phơi sáng nào là phù hợp do đó bạn phải tự cảm nhận ánh sáng trong bức ảnh của mình. Nên nhớ rằng các giá trị phơi sáng khác nhau (khẩu độ, tốc độ màn trập) sẽ cho ra các bức ảnh với các kết quả khác nhau, đây cũng là cơ hội để bạn thể nghiệm các hiệu ứng của khẩu độ và tốc độ mang lại cho bức ảnh.

Sử dụng chức năng Automatic Exposure Bracketing (AEB). Khi chọn chức năng này, bạn sẽ chụp được cùng lúc ba bức ảnh khác nhau mà không cần phải thay đổi bất cứ cài đặt nào để chọn ra bức ảnh đẹp nhất. Chức năng này có hầu hết trong các máy DSLR.

Không sử dụng chế độ cân bằng trắng tự động. Khi để chế độ cân bằng trắng tự động, bạn có nguy cơ mất đi các tông màu ấm áp của cảnh mặt trời mọc hay lặn. Thay chế độ cân bằng trắng tự động bằng các chế độ cân bằng trắng khác hay tăng nhiệt độ màu lên để thấy sự khác biệt. 

Chân máy: nếu bạn chụp ở tiêu cự dài hay thời gian chụp lâu thì chân máy sẽ đảm bảo hình ảnh của bạn không bị nhòe do rung tay khi chụp.

Lấy nét tay: đôi khi chụp trong ánh sáng quá mạnh hay quá yếu việc lấy nét trở nên khó khăn, bạn nên chuyển sang lấy nét tay.

Luôn quan sát xung quanh: cảnh đẹp của hoàng hôn hay bình minh không chỉ có mặt trời mà còn có màu sắc ấm áp và ánh sáng đẹp. Hãy luôn quan sát xung quanh để tìm thêm ý tưởng sáng tác. 


(Sưu tầm)

6 Mẹo Chụp Ảnh Pháo Hoa

Đêm giao thừa, ngày quốc khánh, hay 30 tháng 4, khi ngắm những chùm pháo hoa rực rỡ nổ tung trên bầu trời, lòng bạn cảm thấy lâng lâng và muốn ghi lại những hình ảnh tuyệt vời này để chia sẻ cùng mọi người. Nhưng chụp mãi mà bạn vẫn chưa có được tấm ảnh ưng ý: quá tối, quá sáng, ảnh nhòe, v.v... khiến bạn mất cả hứng. Vậy làm sao để có một bức ảnh chụp pháo hoa hoành tráng?

1. Sử dụng máy ảnh có chế độ chỉnh tay (Manual)

Gần như bạn có thể dùng bất kỳ máy ảnh số nào để chụp pháo hoa, miễn là máy cho phép bạn chỉnh tay các thông số như ISO, khẩu độ (độ mở ống kính), tốc độ màn trập hoặc có sẵn chế độ chụp pháo hoa. Hầu hết các máy point-and-shot hiện tại đều chụp khá. Những dòng máy compact tầm cao, dòng máy siêu zoom hàng top tất nhiên sẽ cho những bức ảnh chất lượng hơn những dòng thấp. Mặc dù vậy, nếu có thể bạn nên dùng máy ảnh ống kính rời (DSLR) để có thể ghi lại những khoảnh khắc sống động và rực rỡ của những chùm pháo hoa.

2. Sử dụng chân đế máy ảnh (Tripod)


Tripod rất cần thiết trong việc chụp pháo hoa. Vì chắc chắn là ống kính phải mở ít nhất là 1 giây cho một bức ảnh pháo hoa, bạn sẽ rất khó có một bức ảnh đẹp nếu cầm máy ảnh trên tay vì tay rất dễ bị rung, nhất là trong khoảng thời gian dài như vậy. Bất kể là Tripod loại xịn hay loại thường, bạn cần sắm lấy một cái để có thể chụp những bức ảnh sắc nét.

3. Thiết lập đúng thông số

Điều quan trọng nhất khi chụp ảnh pháo hoa: chỉnh tốc độ màn trập chậm lại để có thể chụp lại vệt sáng của pháo hoa. Nếu là máy poin-and-shot, bạn có thể chỉnh sang chế độ chụp pháo hoa sẵn có. Chế độ này tự động giúp bạn thiết lập thông số chụp chậm (thường là khoảng nửa giây). Nhưng nếu đã có kinh nghiệm, bạn nên chọn chế độ chỉnh tay hoặc dùng một máy ảnh DSLR. Bạn nên chụp thử với nhiều thiệt lập về tốc độ màn trập và độ mở ống kính khác nhau để có thể quyết định đâu là thông số tối ưu. Để có được những bức ảnh đặc sắc hơn, bạn cũng có thể chọn tốc độ chậm hơn nữa. Tấm ảnh dưới đây chụp với tốc độ 2.5s, điều gần như không thể thực hiện nếu không có Tripod.

4. Chỉnh tốc độ màn trập để điều chỉnh các vệt sáng của pháo hoa

Bạn có thể làm những vệt sáng dài ra bằng cách giảm tốc độ chụp lại. Lúc đầu có thể bạn muốn chụp một chùm pháo hoa nhỏ (cỡ 1s là được), nhưng cũng có lúc bạn sẽ để tốc độ thật chậm (khoảng 8s hoặc hơn) để pháo hoa có thể lấp đầy cả khung ảnh. Bức ảnh dưới đây được chụp với tốc độ 6s và khẩu độ f/5.6.

5. Điều chỉnh khẩu độ


Nếu chưa có nhiều kinh nghiệm chụp ảnh, bạn có thể bị ngợp với các thông số chỉnh tay như  ISO, tốc độ, khẩu độ và bạn không biết phải bắt đầu từ đâu. Bây giờ hãy thử thế này: chỉnh ISO về 100 (hoặc thấp nhất có thể) and để tốc độ ở 1-2s. Rồi bạn chụp thử vài tấm, thay đổi thử khẩu độ. bạn ấn định số f càng nhỏ thì bức ảnh càng sáng. Nếu bức ảnh quá sáng thì hãy tăng số f lên và thử lại. Tấm ảnh dưới đây chụp ở tốc độ 4s với khẩu độ f/8

6. Chỉnh tiêu cự ra vô cực

Đừng quên chỉnh tiêu cự. Nếu bạn sử dụng chế độ chụp pháo hoa tự động, máy ảnh sẽ tự lấy nét ở vô cực. Còn nếu bạn dùng chế độ chỉnh tay, hãy nhớ chỉnh tiêu cự ra vô cực và giữ nguyên ở đó. Tất cả pháo hoa bạn chụp đề ở khá xa nên vô cực chính là thiết lập tốt nhất. Nếu bạn để máy ảnh tự chỉnh tiêu cự, có khả năng bạn sẽ lỡ mất những khoảnh khắc đẹp vì máy ảnh còn phải mất thời gian dò tìm đúng tiêu cự cần chụp.

(Sưu tầm)

Thứ Năm, 2 tháng 1, 2014

9 hiệu ứng giúp ảnh đẹp hơn

Thêm hiệu ứng “Lens Flare”


Hiện tượng Lens Flare (lóe sáng) xuất hiện khi lựa chọn góc chụp ngược sáng. Khi có ánh sáng trực tiếp đi vào ống kính, ta sẽ được hình ảnh nhiễm sáng. Lúc này bức ảnh sẽ thiếu độ tương phản và mất độ trong của hình ảnh nhưng bù lại, hiệu ứng Lens Flare lại tạo cho hình ảnh có cảm giác thơ mộng, lung linh, hấp dẫn mắt nhìn.

Tạo không khí huyền ảo với khói bụi, sương mù

Lựa chọn thời điểm có sương mù hay thêm khói sẽ giúp hình ảnh bắt mắt hơn
Để tạo tâm trạng và cảm xúc cho bức ảnh đừng quên thử nghiệm với sương mù buổi sáng hay một chút khói nhân tạo. Đây là một trong những “chất liệu” thường xuyên được khai thác trong nhiếp ảnh và điện ảnh, vừa giúp xóa bối cảnh rối xung quanh cho hình ảnh “sạch sẽ” và tập trung hơn, đồng thời mang lại cảm giác mờ ảo, huyền bí.

Sử dụng kỹ thuật Low key

Kỹ thuật chụp ảnh Low key là sự kết hợp của ánh sáng và “sự loại bỏ”. Phong cách này sử dụng màu tối để truyền đạt thông tin, giúp hình ảnh ấn tượng hơn so với cách chụp thông thường. Chụp ảnh Low key có thể chụp vào ban ngày, ngoài trời hay trong nhà và phòng chụp, quan trọng là phải có 1 chiếc đèn chiếu sáng để làm nổi bật các chi tiết cần thể hiện trên nền tối đen.

Không lấy nét vào chủ thể

Bạn có thể lấy nét vào bất kỳ chi tiết nào trong hình trừ nhân vật chính, điều này sẽ mang lại cho hình ảnh cảm giác thơ mộng và huyền bí. Kỹ thuật chụp những bức hình như vậy khá đơn giản, chỉ cần chọn khẩu độ mở lớn và lấy nét vào một chi tiết nào đó trong hình có khoảng cách xa từ 2-5m so với chủ thể chính.

Chụp quá sáng

Những bức ảnh đúng sáng luôn là tiêu chuẩn để đánh giá màu sắc và sự chính xác của hình ảnh. Trong khi những bức ảnh quá sáng thường làm mất chi tiết và sai sắc độ của hình ảnh. Nếu chụp thử những hình ảnh có phông nền đơn sắc, chủ thể không quá nhiều chi tiết bạn có thể nhận ra việc chụp hình quá sáng trong trường hợp này mang lại hình ảnh vô cùng ấn tượng, mang cảm giác tươi mới và sáng chói.

Sử dụng khẩu độ lớn

Độ nông trường ảnh hẹp và hiện tượng phông nền bokeh là một trong những tính chất tạo nên một bức ảnh mang cảm xúc thơ mộng, được tạo nên khi sử dụng ống kính có độ mở lớn như f/1.4; f/1.8; f/2… Ngoài ra, sử dụng khẩu độ lớn còn giúp chủ thể được nổi bật và xóa mềm phông nền rối.

Hiệu ứng ánh sáng


Chú ý và vận dụng những cách chiếu sáng khác nhau để mang cảm xúc và sự hấp dẫn của hình ảnh. Các góc chiếu sáng thường sử dụng trong nhiếp ảnh gồm, ánh sáng thuận, ngược sáng, chếch thuận, chếch ngược, sáng bên, tản đều.
Trong đó, các loại ánh sáng thuận và tản đều sử dụng chiếu sáng để tạo cảm giác mềm mại cho bức ảnh, ánh sáng ngược và chếch ngược có thể vẽ đường nét chủ thể, tạo sự tương phản sáng tối mạnh mẽ trong hình.

Hiệu ứng chuyển động

Chuyển động mờ với tốc độ màn trập chậm, chụp lia máy hay nháy đèn flash liên tục khi chụp chuyển động với tốc độ chậm có thể mang lại những bức ảnh độc đáo, ngoài chí tưởng tượng của bạn. Bởi khi đó, những đường di chuyển của chủ thể tạo hình mờ ảo hay một vệt sáng dài còn chủ thể vẫn nét căng, mang lại cảm giác “động” cho hình ảnh. (Lưu ý, khi chụp tốc độ châm nên sử dụng chân máy).

Ảnh màu và đen trắng

Trong khi nhiếp ảnh màu thể hiện cuộc sống với đầy màu sắc và thể hiện đủ loại tâm trạng khác nhau, dễ dàng đưa cảm xúc đến người xem… thì nhiếp ảnh đen trắng thể hiện cảm xúc qua sắc đen, xám, trắng là những màu sắc mạnh mẽ, sang trọng, vượt thời gian, mang ngôn ngữ khác biệt so với cuộc sống thực đầy màu sắc để thể hiện cái đẹp và tâm trạng ẩn chứa, e ấp…

(Sưu tầm)

6 quy tắc bố cục tạo bức ảnh 'để đời'

1. Đơn giản 

Khi bạn nhìn vào một khung cảnh bằng mắt, não của bạn sẽ chỉ ra ngay những gì mà bạn yêu thích. Nhưng ống kính máy ảnh lại không có được ưu thế này, nó bắt lại mọi thứ ở phía trước mà không có ý đồ gì. 

Điều bạn cần làm trong trường hợp này là chọn chủ đề yêu thích, lựa chọn điểm focus làm điểm nhấn cho bức ảnh. Thông thường, bức ảnh với 1 chủ đề đơn giản rất dễ “ghi điểm”. Bạn có thể áp dụng thêm các yếu tố như bóng cắt, các họa tiết do đồ vật xung quanh ngẫu nhiên xếp đặt thành để tác phẩm thêm phần khác biệt. 

2. Zoom vào chủ đề chính 


Khi đứng trước một quang cảnh quá rộng, người chụp “non tay” thường bị choáng ngợp và dễ lấy những cảnh mênh mông, không chủ đích. Tốt nhất, hãy zoom gần vào chủ điểm của bạn để làm đầy khung hình thay vì chụp một bức ảnh vô thưởng vô phạt với trời đất mênh mông. Nếu không dùng ống kính zoom được, hãy tiến lên, tiếp cận điểm cần chụp ảnh. 

3. Tránh xa điểm giữa 

Khi mới chụp ảnh, người ta thường thích đặt mọi chủ đề vào giữa ảnh, tuy nhiên, tỉ lệ này khiến bức ảnh trở nên nhàm chán, rập khuôn. Để tránh tình huống này, hãy luôn nhớ “quy tắc 1/3” tức là chia bức ảnh làm ba theo chiều ngang và theo chiều dọc và đặt chủ đề trên những điểm giao của các đường này. 

Đôi khi, chủ thể chuyển động và không dễ để chụp đúng quy tắc này, bạn có thể chụp chủ thể ở vị trí gần điểm chính giữa (nhưng không phải chính điểm này) và phụ trợ cho bức ảnh bằng màu sắc, ánh sáng và các đường, góc khác.

4. Những đường tạo hướng

Một bức ảnh “nghèo nàn” nhàm chán sẽ khiến mắt người xem không biết phải hướng vào đâu và phải nhìn quanh để tìm điểm trọng tâm. Để cải thiện tình trạng này, hãy quan sát thật kỹ trước khi giơ ống kính lên. 

Trong thiên nhiên, khung cảnh đường phố, thường có những đường thẳng, đường tạo hướng ngẫu nhiên hình thành từ những đồ vật xung quanh bạn. 

5. Hiệu ứng của đường kẻ chéo

Những đường kẻ ngang thường tạo cảm giác yên bình, tĩnh lặng cho khung cảnh trong khi đường kẻ dọc tạo sự vững chãi. Để tạo cho người xem cảm giác phấn khích, mô phỏng một chuyển động, hãy sử dụng những đường chéo. 

Cách tốt nhất là hãy đi quanh chủ thể để chọn điểm chụp sao cho có thể “bắt” được những đường chéo này. 

6. Sáng tạo với màu sắc


Những màu sắc sáng thường rất bắt mắt, đặc biệt là những maàu sắc tương phản với độ tiết chế hợp lý. Với từng hoàn cảnh khác nhau, hãy lựa chọn những màu sắc khác nhau. Chẳng hạn, để thể hiện sự nghèo đói, những tông màu nâu, rêu… được khuyên dùng bởi các chuyên gia nhiếp ảnh. 

(Sưu tầm)

5 lý do để phá vỡ các quy tắc trong nhiếp ảnh

Học về những quy tắc cơ bản của nhiếp ảnh là một điều tối cần thiết để vượt ra khỏi ranh giới của những người mới bắt đầu cầm máy. Tìm hiểu về bố cục, cách thức mà độ mở ống kính hay tốc độ chụp tác động lên một bức ảnh thực sự sẽ khiến kỹ năng cầm máy của bạn được nâng cao.
Tuy nhiên, nếu chỉ đơn giản tuân theo các quy tắc nhiếp ảnh có thể tìm kiếm đầy rẫy từ mọi nguồn trên mạng Internet, thì những tác phẩm bạn chụp ra, dẫu có đẹp và không thể chê trách, cũng sẽ chỉ luôn giống với những gì người khác đã chụp từ cả chục năm về trước. Những bức ảnh không có sự sáng tạo, được chụp từ thói quen, “bản năng”, theo một lối mòn tư duy đã cài đặt sẵn trong đầu óc bạn. Vì vậy, đôi khi chúng ta có thể phá vỡ những quy tắc nhiếp ảnh như trong các trường hợp dưới đây.

1. Để nhiếp ảnh không phải là một thói quen nhàm chán

Có bao giờ bạn gặp phải tình huống này: Cuối tuần bạn được nghỉ, bạn “phải” xách máy ra khỏi nhà vì hôm nay trời rất đẹp. Bạn “phải” chụp ảnh macro hoa lá vì bạn đang cùng vợ con đi chơi ở một vườn hoa rất đẹp. Bạn “phải” áp dụng nguyên tắc 1/3 vì bức ảnh này có đường chân trời và chủ thể rất phù hợp với bố cục đó. Vân vân và vân vân.

Hay cô bạn thân nhờ bạn thực hiện giúp một bộ ảnh chân dung để tham dự một cuộc thi sắc đẹp qua ảnh. Bên cạnh bạn, cô ấy còn nhờ thêm hai anh “nhiếp ảnh gia” nữa. Ba người đều tỏ ra khiêm tốn, nhún nhường, khen ngợi và góp ý với nhau qua mỗi tấm hình. Bạn đưa máy lên ngắm chụp, và như thể có một sức ép nặng nề khiến bạn “phải” bố cục máy như thế này, đặt độ mở như thế kia, yêu cầu cô bạn tạo dáng theo cách đó.

Tất cả những cái “phải” đó đều là xiềng xích bạn tự khoác lên mình sau khi đã đọc và rèn luyện hàng trăm, hàng nghìn lần theo các tài liệu dạy về nhiếp ảnh. Bạn phát ớn lên vì những tấm hình lúc nào cũng hao hao giống nhau, nhưng chúng “an toàn”. Bởi bạn lo sợ việc từ bỏ chúng sẽ khiến bạn đón nhận lại chỉ những cái chau mày và lời khen miễn cưỡng từ bạn bè, vợ con khi cho họ xem ảnh.

Việc đó có thể xảy ra với mỗi lần cầm máy đi chụp, và điều đó vô tình trở thành một áp lực khiến chiếc máy bạn cầm trên tay bỗng trở nên quá nặng nề. Chụp ảnh trở thành một nghĩa vụ, một thứ công việc khác trong khi điều bạn thật sự cần khi cầm máy ra ngoài vào cuối tuần là để xả hơi, thư giãn sau một tuần làm việc căng thẳng.

Đừng vội nghĩ về những gì người khác sẽ đánh giá mình từ khi mới đưa mắt vào kính ngắm. Thay vì nghĩ rằng cô bạn kia nhờ cậy vì bạn là một người có kiến thức rất sâu rộng về nhiếp ảnh, hãy nghĩ rằng ngoài kia còn rất nhiều người khác cũng nắm rõ những quy tắc không mất tiền để đọc được đầy rẫy trên mạng đó, và nếu bạn chỉ chụp được những thứ giống như họ, lần sau khi bạn bận, cô bạn kia sẽ chẳng khó khăn gì tìm được một người thay thế tốt hơn.

Hãy luôn thử phá bỏ những nguyên tắc đang vô tình trở thành thứ xiềng xích khiến bạn luôn nghĩ mình “phải” làm một cái gì đó. Hãy có thể bắt đầu một ý tưởng mới, một thử thách mới trong mỗi lần cầm máy. Bạn có ống kính tele 70-200 chuyên để chụp chân dung và hoa lá trên cao ư? Sao không thử lấy nó ra và chụp những bức ảnh đời thường “lén lút”? Bạn đi chơi cùng vợ con ở một vườn hoa rất đẹp ư? Sao không thử săn lùng những bức ảnh chụp con ong đang hút mật?


2. “Sai số” đôi khi là giải pháp duy nhất, hoặc tốt hơn

Mọi phép tính luôn tồn tại một hoặc nhiều hơn một sai số. Nhiều khi bạn cứ cố áp đặt chủ thể vào một đường dọc mạnh nhưng bức ảnh không thể thành công vì hậu cảnh phía sau quá rối rắm với đường chân trời xiên xẹo. Sao không thử “ném” chủ thể vào chính giữa khung hình, và tiến lại gần sát hơn để tận dụng chủ thể như một bức phông màn che đi những “rác rưởi” phía sau? Hành động đó có thể là “sai số” trong nguyên tắc 1/3, nhưng lại được biết đến với cái tên khác là “tính cân đối trong bố cục” và “kỹ thuật làm đầy khung hình”. Thú vị, phải không?

3. Thử sức sáng tạo giúp bạn tôn trọng hơn những gì bạn không hiểu

Chúng ta vẫn thường đi xem những triển lãm tranh của một họa sỹ ABC XYZ rất thành công và nổi tiếng nào đó. Đứng hồi lâu trước một bức tranh, rồi khẽ huých khuỷu tay nhau và hỏi nhỏ: “Hiểu gì không?” trước khi lẩn ra một góc khuất và cười hô hố: “Siêu thực mà, siêu thực phải thế, làm sao mà hiểu được!” Vấn đề là đằng sau nụ cười giễu cợt đó, trong thâm tâm bạn tự biết mình không thể vẽ được cái giống như họ. Bạn không biết họ đã sử dụng những kỹ thuật gì. Thậm chí bạn không biết cả cách họ đã pha màu ra làm sao.

Cố gắng phá vỡ những nguyên tắc căn bản được học để nhận ra việc đó khó đến nhường nào – bởi “ngoài trời còn có trời”, thứ mà bạn tưởng như mình đang “sáng tạo” đa phần đều chỉ là một thứ còn trong bóng tối nằm ngoài sự hiểu biết của bạn – sẽ giúp bạn biết tôn trọng hơn những nỗ lực của các cá nhân khác đã làm để tạo nên sự đột phá và thiết lập những bước phát triển cao hơn trong lịch sử nhiếp ảnh.

4. Bạn chẳng mất gì khi sáng tạo


Thời kỳ của những cuộn phim… Thời kỳ mà mỗi lần nhấn chụp là một lần ta thấy ví tiền nằm trong túi quần mình mỏng đi đã qua lâu rồi. Chụp – không ưng – xóa – chụp – không ưng – xóa… Thậm chí còn chẳng cần xóa khi công nghệ kỹ thuật số ngày nay đã tạo ra những chiếc thẻ nhớ với dung lượng lên đến vài trăm Gb, những chiếc ổ cứng di động nhỏ như business card với dung lượng lên đến hàng Tb.
Cũng đừng lôi “tuổi thọ màn trập” vào đây để bảo thủ ý kiến rằng mỗi lần bấm sẽ khiến máy… mòn đi một ít. Rồi bạn sẽ mau chóng nhận ra rằng, chiếc máy luôn bị bán đi vì chúng ta “ham vui” với công nghệ mới trước khi chúng đạt đến ngưỡng phải thay màn trập.

5. Nguyên tắc cũng chỉ được xây dựng từ những người khác

Nhiếp ảnh, cũng như mọi ngành nghề khác, đứng trên đôi vai của những kẻ khổng lồ: Avedon, Adams, Karsh, v..v.. danh sách này là bất tận. Chúng ta học hỏi từ họ cách sử dụng ánh sáng tự nhiên, cách xếp đặt chủ thể, cách lựa chọn một chiếc máy và ống kính, chúng ta thuộc nằm lòng những phát ngôn về nhiếp ảnh của họ và chúng ta trở thành những đệ tử không được thừa nhận của họ.
Nếu may mắn và tài năng có đủ, chúng ta chụp được những tấm hình gần đạt tới đẳng cấp thế giới. Nhưng với tất cả những ai hiểu biết về nhiếp ảnh, và quan trọng hơn, với chính bản thân chúng ta, những bức ảnh đó chỉ đơn giản là một sự sao chép. Điều đó cũng giống như “hàng fake loại 1”, “hàng nội địa Trung Quốc” hay hàng gì đi chăng nữa thì cũng chỉ là một sự sao chép rẻ tiền từ những gì người khác đã làm ra.

Tất nhiên, bạn có thể cho rằng việc sáng tạo là của những người khác, của những người sống bằng nghề nhiếp ảnh, nổi tiếng bằng nghệ thuật nhiếp ảnh chứ không phải là việc của chúng ta, những người cuối tuần cầm máy đi chơi để làm giàu thêm đời sống tinh thần. Nhưng ít ra, nó cũng khiến “cuộc chơi nhiếp ảnh” của chúng ta được trở nên thú vị hơn.
Để chúng ta đừng quên đi mất lý do mình đã bỏ ra cả một số tiền lớn để mua lỉnh kỉnh những body và lens thay vì một chiếc máy du lịch rẻ tiền là gì. Tìm tòi, khám phá, trong mọi lĩnh vực luôn có sự liên đới lẫn nhau. Giữ cho đầu óc mình được tư duy sáng tạo luôn là một liều thuốc tốt để phá vỡ một nếp sống trì trệ.